Cuộc đời Đỗ Công Tường

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (cũ)

Không rõ quê quán Đỗ Công Tường ở đâu, chỉ biết ông và vợ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (thời Minh Mạng làng này thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường; nay thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)[2] vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), dưới triều vua Gia Long.

Sau mấy năm chăm chỉ khai hoang và ươm trồng, gia cư ông dần khấm khá nhờ có nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng, mát mẻ, lại ở nơi thuận cả đường sông và đường bộ nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để đổi chác, mua bán. Thấy vậy, ông bỏ tiền ra dựng lên những lều quán bằng cây lá, để có chỗ cho người mua bán tránh mưa nắng. Lần hồi các hiệu buôn bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho nơi đấy ngày càng thêm tấp nập, và cái tên chợ Vườn Quýt có từ khi ấy.

Và cũng vì hay giúp đỡ người nghèo, cộng thêm tính tình cương trực, nên ông được dân làng cảm phục, cử làm chức Câu đương, để lo việc phân xử những việc kiện cáo nhỏ tại địa phương.

Bàn thờ ông bà Đỗ Công Tường ở bên trong đền thờ

Năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả bỗng dưng hoành hành rất dữ[3]. Dân chúng trong vùng bị bệnh chết rất nhiều, đâu đâu cũng vắng vẻ, ảm đạm, và tiếng mõ kêu cứu cứ một lát lại thúc lên từng hồi.

Động lòng trắc ẩn, một mặt ông bà Đỗ Công Tường tìm thuốc hay thầy giỏi về chạy chữa, một mặt ông bà ăn chay lập bàn cầu nguyện xin được chết thay cho dân, vì lúc bấy giờ không ít người có quan niệm rằng bệnh tật này là do trời đất, thần thánh quở phạt. Cầu nguyện và chay lạt từ ngày mồng 6 đến mồng 9, thì bà lâm bệnh dịch và qua đời khoảng 10 giờ đêm hôm đó. Đang lo việc tẩm liệm cho vợ, thì ông cũng tắt thở lúc 3 giờ rạng sáng hôm sau, tức ngày mồng 10, vì căn bệnh vừa kể.

Tương truyền, chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch liền nhanh chóng chấm dứt, cuộc sống dân lành lần hồi trở lại như xưa.